HỆ VI SINH TRONG HỒ THỦY SINH

THỦY SINH ABC

Thiết Kế & Thi Công Hồ Thủy Sinh

Tại TP Hồ Chí Minh - Bình Dương

Giỏ hàng 0
HỆ VI SINH TRONG HỒ THỦY SINH
Ngày đăng: 06/07/2023 09:10 PM

Kiến Thức Về Hệ Vi Sinh Trong Hồ Thủy Sinh

 

1. Hệ vi sinh là gì?

 

Vi sinh vật trong môi trường nước tự nhiên bao gồm rất nhiều loại. Mọi sinh hoạt của chúng được diễn ra trong lòng nước. Có một vài loài sống trôi nổi trên mặt nước nhưng mà đa số chúng bám vào giá thể nào đó như đá, nền, cây thủy sinh, vật liệu lọc… để sinh sống. Chúng có tập tính là không sống theo cá thể riêng biệt mà tập trung sống chung với nhau thành một hệ, hay còn được gọi là Hệ Vi Sinh.

Hệ vi sinh có vai trò quan trọng sống còn cho một hồ thủy sinh, chúng lọc nước và đảm bảo chất lượng nước phù hợp cho cá tép, thực vật trong hồ. Một hệ vi sinh ổn định sẽ đảm bảo một môi trường ổn định cho hồ thủy sinh, ngược lại hệ vi sinh có vấn đề, quá tải thì sẽ gây tình trạng bùng phát rêu hại, cá tép bệnh tật, nước đục, có mùi, độc…

 

2. Các loại vi sinh trong hồ thủy sinh

 

(Ảnh: Thủy Sinh ABC)

 

A. Vi sinh tự dưỡng – nhóm khử Nh3, No2( vòng tuần hoàn Nitrogen). Như thế nào là hồ đã “cycle”?

Vi sinh tự dưỡng lấy nguồn thức ăn là những chất vô cơ. Chúng cần CO2 và rất nhiều oxi để tồn tại, phát triển và hoạt động tốt. Vi sinh tự dưỡng có trong nước, nhưng chúng thường bám nhiều ở các giá thể trong hồ thủy sinh và nhiều nhất là trong vật liệu lọc (bông lọc, sứ lọc, nham thạch, substrate pro, matrix…) nơi có nguồn oxi dồi dào chảy qua. Chúng được gọi là “vật liệu lọc sinh lọc” và là một phần không thể thiếu của một hồ thủy sinh.

Vòng tuần hoàn Nitrogen hoàn thành trong vòng 2 đến 4 tuần, trừ những trường hợp đặc biệt. Khi bạn đo các thông số nước hồ và không còn thấy NH3 và NO2 trong nước thì hồ bạn đã được “Cycle”.

Nhóm vi sinh này quan trọng mang tính chất sống cho một hồ thủy sinh, tuy nhiên nó cũng trực tiếp cạnh tranh nguồn thức ăn của cây thủy sinh là NH3 và NO2.

 

B.Nhóm khử CH4, H2S – Thông tin thêm về vi khuẩn quang hợp

CH4 là khí độc metal được tích tụ ở môi trường yếm khí của nền thủy sinh.

Khí H2S là loại chất cực độc (độc hơn cả NH3), được sinh ra từ sự phân hủy protein và SO4 ở nền thủy sinh hoặc bởi vi khuẩn quang hợp khi có ánh sáng.

Kinh nghiệm rút ra là các khí độc của hồ thủy sinh như CH4 hay H2S đều được một nhóm vi sinh tự dưỡng chuyển đổi, nhóm vi sinh này đa số tự phát sinh trong hồ thủy sinh (hoặc có thể được châm thêm vào). Thêm vào đó, loại vi khuẩn quang hợp thật sự không quá cần thiết vì đã có nhiều loại vi sinh khử chất độc H2S rất hiệu quả. Có thể bổ sung thêm cũng tốt, nhưng không phải là điều bắt buộc. Thêm vào đó, vi khuẩn quang hợp có vòng đời khá thấp nên được người nuôi tôm tép bổ sung thường xuyên.

 

(Ảnh: Thủy Sinh ABC)

 

C.Vi sinh dị dưỡng hiếu khí

Đây là nhóm vi sinh đặc biệt quan trọng. Thức ăn và nhiệm vụ của chúng là phân hủy, chuyển đổi các tạp chất hữu cơ thành thức ăn cho cây thủy sinh. Tất cả những chất cần thiết cho cây thủy sinh đều nằm trong tạp chất hữu cơ, nhưng những dinh dưỡng đó bị “khóa” và cần nhóm vi sinh dị dưỡng mở khóa, phân hủy thành thức ăn cho cây. Nhóm vi sinh này giống như một đầu bếp nấu chín các món ăn từ phân cá, thức ăn thừa, xác động thực vật…thành những bữa ăn thịnh soạn cho cây thủy sinh.

Tạp chất hữu cơ => Chất Vô Cơ (thức ăn của cây thủy sinh)

  • N hữu cơ => NH3 + CO2
  • P hữu cơ => PO4 + CO2
  • S hữu cơ => SO4 + CO2

Vì tạp chất hữu cơ luôn có Carbon nên khi bị phân hủy, CO2 luôn được giải phóng để nuôi cây. Ngoài ra, đôi lúc quá trình phân hủy hữu cơ diễn ra chưa hoàn tất, thì một lượng Acid Humic được sản sinh ra trong nước. Lượng Humic này có tác dụng làm giảm độc, giữ Fe và Mn cho cây dễ hấp thụ.

Thường nước sẽ hơi vàng khi lượng Humic này dồi dào. Vì là vi sinh hiếu khí nên bắt buộc phải được cung cấp đủ oxi để chúng làm việc hiệu quả.

 

D.Vi sinh dị dưỡng hiếm khí – chìa khóa bí mật để khử NO3

Loại vi sinh này là loại duy nhất không cần oxi để tồn tại, thay vào đó chúng “thở” bằng NO3, NO2 và một số chất khác. Khi vòng tuần hoàn Nitrogen hoàn tất, lượng oxi sẽ bị hút cạn kiệt dần và tạo một môi trường yếm khí nhóm vi sinh yếm khí này sẽ hấp thụ NO3.

 

(Ảnh: Thủy Sinh ABC)

 

3. Kinh nghiệm về vi sinh và hệ thống lọc cho hồ thủy sinh

 

– Đa số các vi sinh dị dưỡng sống ở trong nền là chủ yếu nên khi setup hồ nên xây dựng nền càng dày càng tốt (mà không ảnh hưởng đến thẩm mĩ), nền này có thể là nền đất sét trộn, nền công nghiệp, nham thạch, sứ lọc, sỏi trơ…và quan trọng nhất là không thể thiếu oxi.

– Hệ thống lọc chủ yếu làm nơi sinh sống và phát triển cho hệ vi sinh tự dưỡng, nhóm đảm nhiệm vòng tuần hoàn Nitrogen, nếu có đủ oxi trong nước, thì bất cứ vật liệu lọc nào cũng có thể làm giá thể cho vi sinh. Bông lọc và nham thạch nâu / Sứ lọc Trung Quốc hoàn toàn làm việc hiệu quả cho bất cứ hồ thủy sinh nào. “Phù thủy” thủy sinh Codai của Thủy Sinh Lý Vũ luôn dùng bông lọc và nham thạch rẻ tiền cho bất cứ hồ nào của họ, nhưng chất lượng nước và sự ổn định thì luôn tuyệt vời.

– Về cách sắp xếp vật liệu lọc của 1 hệ thống lọc thủy sinh, chủ hồ có thể sắp xếp theo bất cứ thứ tự nào của vật liệu lọc sinh học như bông lọc, sứ, nham thạch… Nhưng nên để nước chảy từ hồ vào bông lọc trước, rồi đến sứ hay nham thạch, matrix, sub pro…. Và cuối cùng là vật liệu lọc hóa học như than hoạt tính hay seachem purigen.

– Về chuyện vệ sinh lọc, cũng tùy từng hồ mà có thể áp dụng kế hoạch vệ sinh lọc định kì. Ví dụ những hồ ánh sáng ít, chủ yếu cung cấp dinh dưỡng cho cây cối từ phân cá, thì một vài năm không vệ sinh cũng không bị vấn đề gì. Nhưng những hồ high tech thì cần vệ sinh thường xuyên hơn, có thể là hàng tháng hoặc 3 tháng/lần. Điều quan trọng là không nên vệ sinh lọc cùng ngày thay nước, và không vệ sinh lọc quá kĩ, chỉ cần làm sạch chút cặn bẩn để máy bơm không bị giảm dòng.

– Khi bắt đầu bố trí hồ, hệ vi sinh sẽ tự xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng nếu hồ được châm thêm vi sinh thì sẽ nhanh hơn. Cách làm hệ vi sinh ổn định nhanh nhất là lấy bông lọc của một hồ đã ổn định cho vào lọc mới. Lưu ý là sứ lọc và nước hồ cũ không có tác dụng trong trường hợp này.

– Về lưu lượng nước của máy bơm, nếu hồ có thể tích 100 lít nước thì thường cần một máy bơm có công suất bơm 300-500 lít/giờ.

– Về cách sắp xếp đầu ống In-Out đa số là phải tùy vào bố cục từng hồ, nhưng ống Out nên để thấp cách mặt nước cỡ 10cm. Vì nếu để ống Out lên quá cao thì nó sẽ làm mặt nước rất động, còn quá thấp thì mặt nước quá tĩnh, không tốt cho lượng oxi hòa tan vào hồ. Ống In nên để đối diện hoặc vị trí nào để dòng nước luân chuyển khắp hồ.

– Việc sử dụng lọc phụ cũng rất thuận tiện cho việc vệ sinh lọc sau này. Chỉ cần để lọc phụ đầy ắp bông lọc và mỗi lần vệ sinh chỉ cần rửa sạch nó mà không cần động đến lọc chính: sứ toàn bộ, nham thạch, matrix,...

– Thùng lọc ngoài, hoặc lọc vách trong hồ là quá đủ cho một hệ thống hồ thủy sinh. Nếu sử dụng thêm lọc kiểu dàn mưa thì càng tăng thêm tính hiệu quả, nhưng chỉ dùng dàn mưa mà không sử dụng lọc thùng thì sẽ có khả năng thiếu hệ vi sinh yếm khí.

– Lọc bio rất hiệu quả cho một số hồ nuôi cá tép đặc biệt, nó vừa cung cấp lượng oxi dồi dào vừa làm chỗ trú cho vi sinh. Nhưng chỉ sử dụng lọc bio cho một hồ cây high tech có kích thước lớn thì không những không phù hợp mà còn không đủ hiệu quả.

 

(Ảnh: Thủy Sinh ABC)

Copyright 2023 @ https://thuysinhabc.com/ - Design by saigonwebsite.com.vn

0867111291

Zalo
Hotline